LỊCH SỬ RA RỜI, HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN THUẬN CHÂU

*Giai đoạn trước năm 1950:

Dưới chế độ phong kiến thực dân, y tế tỉnh Sơn La nói chung huyện Thuận Châu nói riêng hầu như không có gì. Trước năm 1945, cả tỉnh mới có 01 nhà thương ở tỉnh lỵ đặt tại Khau Cả, chỉ có 02 y sỹ Đông Dương và 05 y tá chủ yếu là để phục vụ cho các quan chức thực dân, phong kiến (Trong đó có ông Cầm Văn Inh - người Thuận Châu, ông Cầm Văn Chung - người Mường Tranh Mai Sơn, Thuận Châu chỉ có 1 y tá Bạc Cầm Xuyên). Sơn La là nơi rừng thiêng nước độc, rừng thẳm, suối sâu, núi cao, người xưa có câu “Nước Sơn La, ma Hòa Bình”, cuộc sống của nhân dân các dân tộc Tây Bắc chìm sâu trong lam lũ, lạc hậu, ốm đau chỉ biết dùng thuốc nam và cúng bái, sức khỏe, tính mạng phó thác cho số trời, bệnh đậu mùa, sốt rét, tả, lỵ, thương hàn... hoành hành, không có thầy, không có thuốc.

Tháng 8 năm 1945, cách mạng thành công, nhưng bọn thực dân Pháp không từ bỏ mưu đồ xâm lược các nước Đông Dương, hòng bóp chết phong trào cách mạng và nhà nước Việt Nam non trẻ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp trường kỳ, đầy gian khổ hy sinh, trong đó có sự tham gia của Ngành y tế.

* Giai đoạn 1950 – 1960:

 Ngày 21/11/1952 giải phóng Thuận Châu; ngày 10/12/1952 giải phóng Tây Bắc; ngày 07/5/1954 giải phóng Điện Biên Phủ. Cùng với sự phát triển của cách mạng, ngành y tế khu Tây Bắc, y tế tỉnh Sơn La và y tế huyện Thuận Châu hình thành và không ngừng phát triển lớn mạnh.

Năm 1953, Bộ Y tế cho thành lập Sở Y tế và bệnh viện khu Tây Bắc, đặt tại thị trấn huyện Văn Chấn, tỉnh Nghĩa Lộ (Khu Tây Bắc bao gồm các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái), nhằm phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ và sức khỏe nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc, do Bác sỹ Đỗ Đạo Tiềm làm Giám đốc và một số y sỹ, y tá, dược sỹ được cử trên Trung ương về tăng cường.

Đến cuối năm 1954 chuyển trụ sở về khu vực bản Huông, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu (tại địa điểm bệnh viện Đa khoa huyện hiện nay). Trước tình hình cấp bách, Sở y tế khu đã tập trung đẩy nhanh công tác đào tạo cán bộ y tế, mở các lớp y tá, nữ hộ sinh ngắn ngày (thời gian 1 tháng, 6 tháng), nhằm phát triển hệ thống tổ chức y tế các Châu.

Ngày 07/5/1955 thành lập khu tự trị Thái – Mèo, bỏ cấp tỉnh, Thuận Châu là một trong 16 châu trực thuộc khu tự trị. Năm 1959 đổi tên là Khu tự trị Tây Bắc.

Y tế châu Thuận Châu lúc đó trực thuộc Sở Y tế khu Tây Bắc chỉ có 3 cán bộ: Cầm Văn Inh, Bạc cầm Xiên, Cà Văn Ún, do y sỹ Đông Dương Cầm Văn Inh phụ trách, nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, vận động nhân dân tin tưởng vào ngành y tế, chống hủ tục mê tín, dị đoan cúng bái khi ốm đau.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ châu Thuận Châu, sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở y tế khu Tây Bắc, giai đoạn 1950 – 1960 hệ thống y tế châu Thuận Châu đã có những bước phát triển, đã thành lập Đội vệ sinh phòng dịch và các trạm y tế xã có y tá, nữ hộ sinh hoạt động. Mặc dù đội ngũ cán bộ y tế còn mỏng, hệ thống trạm y tế mới được xây dựng, y dụng cụ còn thô sơ, ngành y tế châu Thuận Châu đã kết hợp giữa điều trị, cấp phát thuốc phòng bệnh theo định kỳ với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên thực hiện nếp sống vệ sinh, phòng bệnh, phòng chống dịch. Xây dựng hệ thống phòng chống dịch ở cơ sở, phát hiện sớm, bao vây, khoanh vùng dập tắt dịch kịp thời; những vụ dịch nguy hiểm như: sốt rét, đậu mùa, sởi, bạch hầu, ho gà, tả, lỵ, nhiệt thán… được khống chế, dập tắt, sức khỏe của nhân dân được bảo vệ tốt hơn.                                                * Giai đoạn 1960 – 1970:

Thực hiện chủ trương của Trung ương, năm 1962 Sở Y tế khu Tây Bắc giải thể; Bệnh viện khu tại Thuận Châu được chuyển giao cho y tế huyện, chức năng nhiệm vụ được thu hẹp lại, do tổ chức chia tách.

Ys Nguyễn Văn Thiết giữ chức vụ Bệnh viện trưởng; Bác sỹ Chu Kiện Sơn – Bệnh viện Phó phụ trách công tác chuyên môn và giảng dạy tại Trường cán bộ y tế Tây Bắc; Y tá Trưởng phòng mổ Bùi Thanh Hằng phụ trách công tác Đảng, công tác tổ chức của bệnh viện.

Năm 1963, bà Bùi Thanh Hằng chuyển công tác, ông Chu Quyền (cán bộ chính trị) thay thế phụ trách công tác Đảng, công tác tổ chức.

Bệnh viện huyện lúc này có 02 bác sỹ: Chu Kiện Sơn, Lê Ngọc Bình, một số y sỹ và cán bộ nhân viên y tế khác; với quy mô 60 giường bệnh, gồm 4 khoa: Nội, Ngoại, Sản nhi, Lây; chức năng nhiệm vụ chủ yếu là khám chữa bệnh, cấp cứu phục vụ sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện.

Năm 1968, bác sỹ Võ Quốc Trung ra trường về làm Bệnh viện trưởng thay ys Nguyễn Văn Thiết (chuyển vùng), ys Hoàng Trọng Bách về làm Bệnh viện phó thay bác sỹ Chu Kiện Sơn (chuyển vùng); Ông Chu Quyền chuyển công tác; Ys Trần Đức Thành về làm bệnh viện phó.

Giai đoạn 1960 – 1970 là giai đoạn cơ bản nhất hình thành Bệnh viện huyện Thuận Châu.

Trong những năm từ 1965 đến năm 1968 đế quốc Mỹ bắn phá, bệnh viện phải sơ tán vào khu Nong Bóng xã Tông Lạnh, cơ sở vật chất từ bệnh viện khu bàn giao bị tàn phá nặng nề, không còn một viên gạch; nhiệm vụ của bệnh viện vô cùng nặng nề, vừa xây dựng cơ sở vật chất tại khu sơ tán, vừa tổ chức các đội tự vệ đánh trả máy bay Mỹ, khám chữa bệnh, cấp cứu cho nhân dân. Năm 1968 đế quốc Mỹ tạm dừng chiến tranh phá hoại miền bắc bệnh viện huyện từ khu sơ tán trở về địa điểm cũ của bệnh viện huyện, Nhiệm vụ của bệnh viện huyện lại phải tập trung xây dựng cơ sở vật chất, nhà cửa cho bệnh nhân và phục vụ công tác chuyên môn. Cũng trong giai đoạn này lực lượng cán bộ của bệnh viện cũng được tăng cường như y sỹ: Tôn Thị Ân, Lò Văn Piềng, Nguyễn Đình Hòe, Bùi Văn Thả, Nguyễn Thị Đức, Trần Xuân Hiến, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Thị Dịp …

*Giai đoạn 1970 – 1980:

Bác sỹ Võ Quốc Trung – Bệnh viện trưởng; y sỹ Hoàng Trọng Bách, y sỹ Trần Đức Thành –  Bệnh viện phó.

Năm 1976, y sỹ Trần Đức Thành chuyển công tác về Sở Y tế tỉnh, Bác sỹ Lò Văn Piềng ra trường về làm Bệnh viện phó, bác sỹ Phạm Bình ra trường về tăng cường cho bệnh viện.

Năm 1979 Bác sỹ Lò Văn Piềng được tăng cường về phòng khám đa khoa Co Mạ, Bs Bế Bảo Cường chuyển từ Trung tâm Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh về làm Bệnh viện phó; nhiều y sỹ ra trường về như: Ys Hà Tiểu Mai, Cầm Thị Chung, Đặng Thị Hồng, Lường Phiu, Hà Thị Liêu, Lò Thị Thiện, ys Đỗ Như Cửu… Quy mô bệnh viện huyện được tăng lên 80 giường bệnh, gồm 6 khoa: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Lây, Dược. Lực lượng cán bộ được tăng cường, nhiệm vụ của bệnh viện lúc này vừa xây dựng cơ sở vật chất cho bệnh viện, vừa làm công tác khám chữa bệnh, Hỗ trợ công tác phòng chống dịch, vừa sẵn sàng phục vụ chiến đấu chống quân bành trướng Trung Quốc, xâm lược biên giới phía Bắc. Tuy gặp nhiều khó khăn, bệnh viện huyện đã thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba.

*Giai đoạn năm 1981 – 1990:

Năm 1985, thành lập Trung tâm y tế huyện, Bs Lường Văn Hoàn giữ chức vụ Giám đốc (Trưởng phòng kiêm Giám đốc bệnh viện), Bs Lò Văn Piềng, Bs Bế Bảo Cường - Phó giám đốc phụ trách chuyên môn; Dược sỹ đại học Nguyễn Thị Hòe - Phó giám đốc phụ trách công tác dược; Ys Đàm Văn Mão – Phó giám đốc phụ trách công tác tổ chức hành chính.

Năm 1988, ys Đàm Văn Mão chuyển công tác về Liên đoàn lao động huyện. Bệnh viện huyện được bổ sung 6 bác sỹ: Bs Lường Văn Mứt – Phó giám đốc phụ trách Tổ chức hành chính; Bs Đặng Thị Hồng - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ; Bs Đàm Văn Hưởng – Trưởng khoa ngoại; Bs Trương Thị Thuần – Trưởng khoa Nội; Bs Lầu Sáy Chứ – Trưởng khoa Sản; Bs Cầm Thị Thanh – Trưởng khoa Nhi. Quy mô bệnh viện tăng lên 100 giường bệnh, gồm 8 khoa (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Lây, Cấp cứu, Dược, Khám bệnh, Xét nghiệm – x. quang) và 3 phòng (Kế hoạch – nghiệp vụ, Tổ chức - Hành - chính Tài vụ, Điều dưỡng); số lượng, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên rõ rệt; lực lượng cán bộ, toàn bệnh viện có trên 80 cán bộ, trong đó có 8 bác sỹ, 18 y sỹ, 22 điều dưỡng, 6 nữ hộ sinh và 26 cán bộ khác; công tác đào tạo cán bộ được chú trọng, nhiều cán bộ được cử đi học bác sỹ, học chuyên khoa trên đại học, y sỹ đi học lên bác sỹ, điều dưỡng đi học lên cử nhân.

*Giai đoạn 1991- 2000:

Năm 1992 Bs Lường Văn Mứt chuyển về Ủy ban Dân số - KHHGĐ huyện.

Năm 1993 Bs Lường Hoàn nghỉ hưu, Bs Cầm Văn Quân được bầu giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm y tế huyện, Bs Lò Văn Piềng – Phó giám đốc, Bs Lầu Sáy Chứ - Phó giám đốc bệnh viện, Bs Đàm văn Hưởng, Bs Trương Thị Thuần chuyển công tác về tỉnh; bác sỹ Nguyễn Văn Tuân, Lường Văn Phái và La Văn Diện về thêm.

Sau nhiều năm Bệnh viện không được đầu tư xây dựng nên cơ sở nhà cửa, xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị vật tư y tế lạc hậu, thiếu thốn. Được sự quan tâm của huyện Ủy, HĐND, UBND huyện bệnh viện được xây dựng thêm 2 nhà kiên cố: Nhà đa năng Xét nghiệm, Xquang và nhà bệnh nhân khoa ngoại. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn bệnh viện đã khắc phục, quyết tâm, đoàn kết, phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình..

*Giai đoạn 2001 – 2005:

Năm 2001, Bs Lầu Sáy Chứ được bầu làm Phó chủ tịch UBND huyện sau chuyển về làm Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La, Bs Nguyễn Văn Tuân, Bs Lường Văn Phái chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Năm 2002, Bs Cầm Văn Quân chuyển công tác về văn phòng UBND huyện, Bs Lường Văn Mứt chuyển về làm Giám đốc Trung tâm y tế huyện; bác sỹ Lò Văn Piềng – Phó giám đốc; bác sỹ Cầm Thị Thanh - Phó giám đốc, Bs Lò Văn Tấn - Phó giám đốc kiêm Đội trưởng đội vệ sinh phòng dịch – Sốt rét.

Giai đoạn này công tác đào tạo cán bộ đã phát huy tác dụng, các bác sỹ: Lường Minh Thuấn, Lường Văn Lưu, Hà Việt Phương, Nguyễn Thị Hạnh, Đinh Thị Nguyên, Lò Văn Châu, Quàng Văn Lún, La Văn Tâm, Bùi Thị Tố Lan, Lò Văn Tiếp ra trường về tăng cường cho Trung tâm y tế huyện. Bác sỹ Đặng Thị Hồng mất, bác sỹ Lường Minh Thuấn – Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ. Cơ sở vật chất được tăng cường, xây dựng thêm nhà phòng khám bệnh viện, trang thiết bị y tế được bổ sung. Chức năng nhiệm vụ của bệnh viện huyện được triển khai toàn diện, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, công tác chỉ đạo tuyến được triển khai tích cực, chỉ đạo, hướng dẫn trạm y tế xã Chiềng pha đạt chuẩn quốc gia về y tế.

          *Giai đoạn 2006 – 2010:

          Thực hiện quyết định số 172/QĐ – BNV của Bộ Nội vụ về hệ thống y tế tuyến tỉnh, huyện, Trung tâm y tế giải thể, Bs Lò Văn Piềng nghỉ hưu, Bs Lường Văn Mứt về làm Trưởng phòng y tế huyện, Bs Cầm Thị Thanh – Giám đốc bệnh viện; Bs Lò Văn Châu – Phó giám đốc, Bs Vàng Su Hờ - Phó giám đốc phụ trách chuyên môn; Bs Lò Văn Tấn – Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện, Bs Lường Minh Thuấn – Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện.

Giai đoạn này bệnh viện huyện được đầu tư đồng bộ, xây dựng lại toàn bộ cơ sở hạ tầng bệnh viện, trang thiết bị y tế, Quy mô bệnh viện được nâng lên 175 giường bệnh, gồm 09 khoa lâm sàng và cận lâm sàng: Nội - Đông y, Ngoại, Sản, Nhi, Truyền nhiễm, Hồi sức cấp cứu, Dược, Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, Khám bệnh và 03 phòng chức năng: Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, phòng Tổ chức - Hành chính - Tài vụ, phòng Điều dưỡng. Công tác đào tạo cán bộ được tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều bác bác sỹ đã được đào tạo chuyên khoa trên đại học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chuyên môn.

          * Giai đoạn 2011 – 2015

          Tháng 5/2013, Ths Trần Thanh Bình – Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu.

Cuối năm 2013, Bs Cầm Thị Thanh được điều động chuyển công tác về làm Trưởng phòng Y tế huyện (do Bs Lường Văn Mứt nghỉ hưu); Ths Trần Thanh Bình - PGĐBV được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc bệnh viện; Bs Vàng Shu Hờ - Phó giám đốc, Bs Lò Văn Châu - Phó Giám đốc.

          Bệnh viện đã được củng cố, cơ sở vật trang thiết bị được nâng cấp, công tác tổ chức cán bộ ổn định, chất lượng công tác chuyên môn được nâng lên rõ rệt.

* Giai đoạn năm 2016 – 2020

Tháng 10/2016, BVĐK huyện Thuận Châu được UBND tỉnh Sơn La công nhận đủ tiêu chuẩn nâng hạng từ hạng III lên hạng II. Quy mô bệnh viện nâng lên 200 giường bệnh, gồm 04 phòng chức năng (Kế hoạch nghiệp vụ, điều dưỡng, TCHC, TCKT) và 13 khoa lâm sàng, cận lâm sàng (Nội - Đông y, Ngoại, Sản, Nhi, Truyền nhiễm, Hồi sức cấp cứu, Liên chuyên khoa, Dược, Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, Khám bệnh, Kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa dinh dưỡng, PK đa khoa Co Mạ) với 142 cán bộ, viên chức và người lao động.

Năm 2017 Bs Vàng Shu Hờ - Phó GĐBV nghỉ hưu. Bs Quàng Văn Châu – Trưởng phòng TCHC được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc bệnh viên.

Năm 2019, Bs Lò Văn Châu – Phó GĐBV nghỉ hưu.

Tháng 04 năm 2020, Ths. Bs Trần Thanh Bình – Giám đốc bệnh viện chuyển công tác về Sở Y tế, Bs Quàng Văn Châu – PGĐBV được giao quyền giữ chức vụ Q. Giám đốc bệnh viện. Ngày 15/6/2020, Ths Trần Mạnh Đức, chuyên viên phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu.

Ngày 25/9/2020, BSCKII. Hà Việt Phương – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu; Bs Quàng Văn Châu – Q. Giám đốc bệnh viện được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm y tế huyện.

          * Giai đoạn từ năm 2021 đến nay

Ngày 15/03/2021, BSCKI. Đinh Thị Nguyên – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc BVĐK huyện Thuận Châu.

Tháng 10/2023, BSCKII. Trần Mạnh Đức – PGĐBV được điều động chuyển công tác về Chi cục An toàn thực phẩm. Ban lãnh đạo bệnh viện lúc này gồm: BSCKII. Hà Việt Phương – GĐBV, BSCKI. Đinh Thị Nguyên – PGĐBV.

Tháng 10/2024, BSCKI. Lèo Văn Doa – Trưởng khoa Ngoại và BSCKI. Lường Thị Tiểm – Chủ tịch công đoàn cơ sở - Trưởng khoa Nội được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc bệnh viện.

Hiện tại Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu là bệnh viện tuyến huyện hạng II, trực thuộc Sở Y tế với quy mô 300 giường bệnh, gồm 18 khoa/ phòng (Kế hoạch tổng hợp, Điều dưỡng, TCHC, TCKT, khoa Nội tổng hợp, YHCT-VLTL-PHCN, Ngoại, Phụ sản, Nhi, Truyền nhiễm, Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc, Liên chuyên khoa, Phẫu thuật - GMHS, Khám bệnh, Dược - Vật tư thiết bị y tế, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Kiểm soát nhiễm khuẩn) với 217 nhân viên y tế và người lao động (biên chế 190, lao động hợp đồng 27), trong đó có 01 thầy thuốc ưu tú (BSCKII. Hà Việt Phương), 16 BSCKI, 02 DSCKI, 02 thạc sĩ kinh tế, 02 ĐDCKI, 01 KTVCKI, 28 BSĐK, 02 BSYHCT, 83 ĐDĐH, 16 ĐDCĐ, 03 DSĐH, 07 DSCĐ, 08 KTVY đại học, 08 KTVY cao đẳng, 01 hộ sinh đại học và 08 hộ sinh cao đẳng, còn lại là các nhân viên khác. Ban lãnh đạo bệnh viện được kiện toàn gồm 01 Giám đốc và 03 Phó GĐ.

Ghi chú: Bài viết này chỉ căn cứ vào cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Thuận Châu, cuốn Kỷ niệm y tế Tây Bắc và một số lời kể của một số cán bộ y tế huyện, xã. Các thế hệ cán bộ công tác tại ngành y tế huyện Thuận Châu theo từng giai đoạn có thể chưa được đầy đủ và chính xác, rất mong các đồng nghiệp hết sức thông cảm và  đóng góp ý kiến bổ sung.