• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN THUẬN CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Covid-19: Chuyên gia cảnh báo về thuốc kháng virus "xách tay Nga"

 

Covid-19: Chuyên gia cảnh báo về thuốc kháng virus "xách tay Nga"

Hà An

Hà An

Thứ hai, 21/02/2022 - 06:57

(Dân trí) - Lo lắng khi mắc Covid-19, nhiều người tự mua thuốc phòng, điều trị Covid-19 xách tay của Nga. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên lãng phí tiền bạc, thuốc tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ.

0:00/0:00

Nữ miền Bắc

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết thời gian gần đây ông nhận được nhiều tin nhắn hỏi về các hộp thuốc xanh đỏ chữ tiếng Nga loằng ngoằng được cho là có tác dụng điều trị Covid-19. Tuy nhiên, theo ông người dân không tự ý dùng vì đều là thuốc xách tay không rõ nguồn gốc.

"Người dân không nên lãng phí tiền bạc và tiếp tay cho các nhóm buôn lậu thuốc. Hiện nay tỷ lệ tự khỏi trên người đã được tiêm chủng đầy đủ rất cao nên thuốc gì uống vào cũng đều "khỏi"", PGS Hiếu nhấn mạnh. 

Phân tích thêm về điều này, dược sĩ Hà Quang Tuyến, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội cho biết "thuốc xanh, thuốc đỏ" hay Arbidol (Umifenovir) là thuốc kháng virus phổ rộng được cấp phép sử dụng để dự phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga từ năm 2006. Thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy thuốc Arbidol có hoạt tính kháng virus đối với một số virus đường hô hấp ở người như virus cúm A, B, C, adenovirus, rhinovirus…

Covid-19: Chuyên gia cảnh báo về thuốc kháng virus xách tay Nga - 1

Thuốc kháng virus Arbidol được rao bán nhiều trên mạng (Ảnh: P.W).

Tại Trung Quốc, Umifenovir cũng được thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch tuy nhiên kết quả về hiệu quả của Umifenovir là không đồng nhất giữa các nghiên cứu.

Một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp về hiệu quả và an toàn của Arbidol trên bệnh nhân Covid-19 đã được thực hiện bởi B. Amani và các cộng sự (năm 2021) dựa trên các dữ liệu nghiên cứu trên Pubmed, Cochrane, Embase và medRixv. Tổng quan đã cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả giữa việc dùng Arbidol và không dùng Arbidol ở bệnh nhân Covid-19. Sử dụng arbidol có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ hơn. Các tác dụng phụ hay gặp phải là rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn. 

Theo dược sĩ Tuyến, Umifenovir cũng như nhiều thuốc khác Hydroxycloroquin, Ribavirin, Sofosbuvir, Lopinavir… là một trong số các thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn ban đầu của đại dịch để tìm hướng tiếp cận điều trị Covid-19 trên thế giới. Có nhiều nghiên cứu đã tạm dừng do hiệu quả không cao hoặc nguy cơ, tác dụng không mong muốn lớn hơn nhiều so với hiệu quả.

Mỗi thuốc kháng virus có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Vì thế, chuyên gia khuyên việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 này có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ, đồng thời trong quá trình sử dụng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro có thể xảy ra.

Hiện nay, thuốc Arbidol và Areplivir đều chưa được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam. Các sản phẩm do các trang mạng xã hội, các nhóm các diễn đàn bán đều là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng. Việc mua bán và sử dụng các thuốc kể trên đều là vi phạm nghiêm trọng Luật Dược, giảm hiệu quả phòng chống dịch, tạo cơ hội cho những cá nhân lợi dụng buôn bán thuốc giả thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu để trục lợi cá nhân. 

Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19 theo thông tin truyền tai. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid-19 ở người bệnh.

Hiện nay có 3 thuốc kháng virus được Bộ Y tế cho phép sử dụng là thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, Favipiravir và Remdesivir. Các thuốc này đều được cấp miễn phí. 

Trong đó, Favipiravir 200mg được dùng cho F0 nhẹ, trung bình. Thuốc chống chỉ định với phụ nữ có thai, đang có kế hoạch có thai, người dưới 18 tuổi, người bị suy gan nặng, suy thận cấp, phụ nữ cho con bú. Trong quá trình sử dụng, người bệnh cần chú ý ít nhất 2 ngày đầu dùng thuốc do có thể gây rối loạn tâm thần. Với người có tiền sử gout, thuốc có thể làm tăng acid uric và làm nặng thêm bệnh. 

Tương tự, Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều cuối cùng. Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.

Remdesivir được chỉ định cho bệnh nhân nội trú, mức độ trung bình và nặng. 

Bộ Y tế mới đây cũng đã cấp số đăng ký lưu hành cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir được sản xuất trong nước, dự kiến có giá dưới 300.000 đồng/hộp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEB