• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN THUẬN CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyết áp cao phải làm sao mùa dịch? Lắng nghe lời khuyên từ chuyên gia

Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất, nhiều người mắc phải và có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Theo giới chuyên gia, để hạn chế những biến chứng xuất hiện thì người bệnh nên thường xuyên kiểm tra số đo huyết áp và nhịp tim của mình.

Những điều cần biết về tăng huyết áp

Gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Gần đây, Hội tim mạch Hoa kỳ còn đề nghị gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu≥ 130mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 80 mmHg.

Hiện nay, khoảng 90% người bị tăng huyết áp là vô căn (không rõ nguyên nhân). Bên cạnh đó, tăng huyết áp thường không phải luôn có triệu chứng rõ ràng, phần lớn mọi người phát hiện ra tăng huyết áp khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc xuất hiện một biến chứng nào đó. Nghiêm trọng hơn, tăng huyết áp đang dần có xu hướng trẻ hóa, đe dọa tới sức khỏe của người trong độ tuổi lao động.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt – Phó chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam: “Theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh và thành phố của nước ta từ năm 2009 thì tỷ lệ tăng huyết áp của người từ 25 tuổi trở lên đã là 25,1%, tức là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp. Một vài điều tra dịch tễ khác gần đây còn thấy tỷ lệ tăng huyết áp đã tăng tới khoảng 30 – 40% ở những người trưởng thành”.

Huyết áp cao phải làm sao mùa dịch? Lắng nghe lời khuyên từ chuyên gia - 1

GS.TS Nguyễn Lân Việt – Phó chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam

Ở những bệnh nhân tăng huyết áp, áp lực trong lòng mạch máu gia tăng khiến các mạch máu dễ bị tổn thương, gây ra các biến chứng nứt vỡ mạch như xuất huyết não, hoặc gia tăng sự hình thành các mảng xơ vữa và cục máu đông trong lòng mạch. Theo sự dịch chuyển của dòng máu, các cục máu đông đó có thể đi tới những mạch máu nhỏ, gây tắc mạch; ví dụ tắc mạch não gây ra nhũn não, tắc động mạch vành gây ra nhồi máu cơ tim…

“Tăng huyết áp sẽ làm tăng từ 2 – 4 lần nguy cơ gây bệnh động mạch vành, đột quỵ, suy tim. Đồng thời, tăng huyết áp cũng là nguyên nhân chính trong 62% các trường hợp đột quỵ, 25% trong nhồi máu cơ tim, 56% trong các bệnh thận mạn tính…” - GS.TS Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh.

Huyết áp cao phải làm sao mùa dịch? Lắng nghe lời khuyên từ chuyên gia - 2

Tăng huyết là nguyên nhân chính trong 62% các trường hợp đột quỵ (Ảnh minh họa)

Theo dõi huyết áp tại nhà giúp ngăn ngừa biến chứng tăng huyết áp

GS.TS Nguyễn Lân Việt cho biết: “Khi kiểm soát tốt được số đo huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác thì sẽ giảm được các biến chứng và tỷ lệ tử vong do tăng huyết áp gây nên.

Theo một công bố được đăng tải trên tạp chí Lancet năm 2016, tập hợp 123 nghiên cứu khác nhau trên 613.815 bệnh nhân tăng huyết áp thì thấy: Nếu giảm được 10mm Hg số huyết áp tâm thu thì sẽ giảm được một cách có ý nghĩa thống kê 20% các biến cố tim mạch chính, giảm 17% biến cố bệnh động mạch vành, giảm 27% biến cố đột quỵ và giảm 28% tỷ lệ suy tim do tăng huyết áp gây nên”.

Do vậy, việc theo dõi huyết áp tại nhà mỗi ngày là rất cần thiết vì vừa phát hiện được tình trạng tăng/giảm bất thường của số đo huyết áp, vừa hạn chế được tình trạng tăng huyết áp “áo choàng trắng” - khi số đo huyết áp của người bệnh thường hay tăng cao hơn lúc người bệnh tới khám tại bệnh viện.

Hiện tại các loại máy đo huyết áp điện tử (loại đo ở cánh tay) được khuyên nên dùng để đo huyết áp tại nhà vì loại máy này người bệnh có thể tự đo (không cần người nhà phải đo giúp), đồng thời ngoài số đo huyết áp, máy còn chỉ rõ cả tần số tim được hiện trên màn hình. Một số loại máy mới gần đây còn ghi nhận được thêm cả tình trạng rối loạn nhịp tim của người bệnh.

Huyết áp cao phải làm sao mùa dịch? Lắng nghe lời khuyên từ chuyên gia - 3

Đo huyết áp tại nhà giúp hiệu chỉnh liều thuốc huyết áp phù hợp (Ảnh minh họa)

Hạn chế các biến chứng của tăng huyết áp bằng cách nào?

GS.TS Nguyễn Lân Việt khuyến cáo: Bệnh tăng huyết áp là một bệnh mạn tính do vậy để hạn chế tối đa các biến chứng, người bệnh nhất thiết phải kiểm soát tốt huyết áp bằng cách điều chỉnh lối sống hợp lý, kiểm tra số đo huyết áp và tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Huyết áp cao phải làm sao mùa dịch? Lắng nghe lời khuyên từ chuyên gia - 4

Chủ động đo huyết áp tại nhà là biện pháp tốt để kiểm soát, hạn chế biến chứng do tăng huyết áp

- Chế độ ăn uống hợp lý: Giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày), hạn chế các thức ăn chứa nhiều muối như cà muối, dưa muối, mì ăn liền, xúc xích, thịt hun khói... Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi, cố gắng đảm bảo ăn đủ 5 loại rau và hoa quả mỗi ngày với màu sắc khác nhau.

Hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo bão hòa, như bơ, mỡ động vật, trứng, phủ tạng động vật,...

- Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9;

- Hạn chế uống rượu, bia;

- Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá và các chất kích thích;

- Tăng cường thể dục thể thao hợp lý (mỗi ngày đi bộ khoảng 30-45 phút);

- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh;

- Tránh bị lạnh đột ngột.

- Khám sức khỏe định kỳ để điều trị phát hiện các bệnh đồng mắc (rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng acid uric, …).

- Chủ động theo dõi huyết áp tại nhà với người bị tăng huyết áp là yếu tố rất quan trọng để có thể hạn chế các biến chứng của tăng huyết áp GS.TS Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh. Khi điều trị huyết áp tại nhà người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân cần chú ý:

+ Không tự mua thuốc hạ huyết áp mà cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ;

+ Duy trì đo huyết áp ít nhất mỗi ngày một lần và ghi vào sổ theo dõi số đo huyết áp, tần số tim, những triệu chứng bất thường trong ngày, thuốc uống trong ngày để giúp thầy thuốc theo dõi, đánh giá kết quả điều trị sau mỗi đợt tái khám.

+ Tăng huyết áp là bệnh mạn tính, vì vậy việc điều trị tăng huyết áp cần được tiến hành một cách lâu dài theo đúng chỉ định của thầy thuốc.

+ Cách dùng máy đo huyết áp điện tử tại nhà: Khi theo dõi huyết áp tại nhà chỉ nên đo huyết áp 1-3 lần trong ngày, mỗi lần đo huyết áp nên đo 2 lần liên tiếp cách nhau vài phút rồi lấy trung bình 2 lần đo. Cần nhớ phải nằm nghỉ tuyệt đối khoảng 10 phút trước khi đo. Trước khi đo huyết áp 30 phút không được uống rượu, cà phê hay hút thuốc lá.

+ Với người cao tuổi nên đo huyết áp cả tư thế nằm và đứng để xem có hiện tượng tụt huyết áp trong tư thế đứng hay không.

+ Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường về sức khoẻ thì nên chủ động tới bác sĩ chuyên khoa tim mạch để khám, không chờ đến hẹn để có thể chủ động ngăn ngừa những biến chứng do tăng huyết áp gây nên./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEB