• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN THUẬN CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thoát vị đĩa đệm là gì? Nguyên nhân gây bệnh và cách chữa

Thoát vị đĩa đệm là một trong những thuật ngữ y khoa được nhiều người nhắc đến trong giai đoạn hiện nay, điển hình với những cơn đau nhức khó chịu. Mặc dù không đe dọa trực tiếp tới tính mạng nhưng nếu không được điều trị triệt để sẽ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Vậy thoát vị đĩa đệm là gì, nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa bệnh như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong nội dung dưới đây.

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Đĩa đệm là một trong những cấu trúc quan trọng đối với cột sống, đảm nhiệm vai trò gắn kết, giúp các cử động ở cột sống trở nên linh hoạt hơn. Đĩa đệm gồm có nhân nhầy và bao xơ, liên kết chặt chẽ với nhau để đảm bảo thực hiện các chức năng vốn có. Khi đĩa đệm bị tổn thương, bao xơ có dấu hiệu nứt rách, các liên kết này sẽ trở nên lỏng lẻo, nếu không được phát hiện sớm có thể dẫn đến các vết rách ngày càng lớn, nhân nhầy trong đĩa đệm thoát ra ngoài, chèn ép lên các rễ thần kinh, gây đau. Tình trạng này theo y học được gọi là thoát vị đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra có mọi đối tượng khác nhau, trong đó, người cao tuổi thường chiếm tỷ lệ đa số do hiện tượng thoái hóa cột sống tự nhiên. Tuy nhiên, bệnh cũng đang có xu hướng trẻ hóa bởi thói quen sinh hoạt và làm việc chưa khoa học ở nhiều người.

Những nhóm đối tượng có nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm cao bao gồm: Người thường xuyên phải làm các công việc nặng, dân văn phòng, người lái xe, người gặp chấn thương trước đó, người mắc các bệnh lý bẩm sinh về cột sống... Chính bởi vậy, bạn cần có những biện pháp chủ động phòng tránh bệnh ngay từ sớm để hạn chế những biến chứng xấu có thể xảy ra.

Nguyên nhân gây bệnh thoát vị đĩa đệm

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm, dưới đây là một số yếu tố chính mà người bệnh cần quan tâm:

  • Tuổi tác: Như đã đề cập tới ở phần trên, tuổi tác chính là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm. Tuổi càng cao, quá trình lão hóa của cơ thể sẽ diễn ra ngày càng nhanh, các khối đĩa đệm cũng sẽ bị bào mòn và suy giảm chức năng một cách đáng kể. Trong khi đó, cơ thể không có khả năng sản sinh ra các hoạt chất tốt để bù đắp lại những tổn thương này. Theo thời gian, các khối đĩa đệm này sẽ bị rách, nứt và khiến cho lớp nhân nhầy bị thoát ra, chèn ép lên các rễ dây thần kinh và tủy sống.

  • Do thói quen ngồi học tập, làm việc sai tư thế: Việc ngồi quá lâu, ngồi sau tư thế khi học tập và làm việc cũng có thể gây ra tình trạng vẹo cột sống. Song song với đó, nhân nhầy đĩa đệm sẽ lệch khỏi vị trí ban đầu, tác động vào bao xơ làm chúng vỡ rách. 

  • Do tai nạn, chấn thương: Những ảnh hưởng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động… nếu không được điều trị triệt để có thể khiến cho đĩa đệm nói riêng và hệ thống xương khớp nói chung bị tổn thương.

  • Thừa cân: Đối với những người có cân nặng quá khổ sẽ gây áp lực lên cột sống, khiến cho cột sống thường xuyên phải chịu những áp lực lớn. Đĩa đệm bị chèn ép trong thời gian dài dẫn đến hiện tượng thoát vị. 

  • Rượu bia, thuốc lá: Bên cạnh những yếu tố kể trên, thoát vị đĩa đệm còn bị ảnh hưởng bởi khói thuốc, những chất có cồn,... Do đó, bạn cần hạn chế hoặc loại bỏ rượu bia, thuốc lá… để chủ động bảo vệ sức khỏe đĩa đệm nói riêng và sức khỏe xương khớp nói chung.

  • Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là canxi cũng tạo điều kiện để căn bệnh thoát vị đĩa đệm tiến triển nặng hơn.

Việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị của bác sĩ, từ đó rút ngắn thời lượng và chi phí chữa trị cho bệnh nhân. 

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm

Bệnh thoát vị đĩa đệm trong giai đoạn đầu thường không quá rõ rệt, dễ nhầm lẫn với một số bệnh xương khớp khác. Để phân biệt thoát vị đĩa đệm, người bệnh có thể tham khảo một số dấu hiệu dưới đây:

  • Đau nhức xương khớp: Đây là triệu chứng điển hình ở những người bệnh xương khớp, đặc biệt là người bệnh thoát vị đĩa đệm. Bệnh nhân thường gặp phải những cơn đau đột ngột ở vùng cổ, thắt lưng, sau đó lan ra vùng vai gáy, chân tay, hông, cẳng chân, cẳng tay, trong trường hợp chèn ép xảy ra ở dây thần kinh tọa. Tính chất đau có thể âm ỉ vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng hoặc rất dữ dội, đau nặng hơn khi vận động, đi lại, thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. 

  • Triệu chứng tê bì tay chân: Nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài sẽ chèn ép rễ thần kinh gây đau nhức, tê bì. Đồng thời, người bệnh cũng xuất hiện thêm dấu hiệu rối loạn cảm giác, luôn thấy mình như bị kiến bò trong người,… Một số trường hợp bệnh nặng có thể không kiểm soát được khả năng tiểu tiện, dẫn đến những bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. 

  • Yếu cơ, bại liệt: Để hạn chế những cơn đau, người bệnh thường có xu hướng hạn chế vận động. Tuy nhiên, tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến cho người bệnh vận động khó khăn, dần dần dẫn tới teo hai chân, teo cơ, liệt các chi phải phụ thuộc vào xe lăn.

Nếu phát hiện ra một trong những triệu chứng kể trên, người bệnh cần lập tức đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất. 

Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?

Thoát vị đia đệm mặc dù không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng nếu không được chữa trị dứt điểm sẽ có thể dẫn đến một số biến chứng khó lường như:

Đau rễ thần kinh

Đây là một trong những biến chứng điển hình nhất của thoát vị đĩa đệm. Những cơn đau rễ thần kinh thường diễn ra liên tục và kéo dài từ khu vực thắt lưng xuống dưới chân. Các cơn đau có xu hướng tăng khi người bệnh ho, hắt hơi, vận động mạnh. 

Thoát vị đĩa đệm gây rối loạn cảm giác

Lúc này người bệnh sẽ cảm thấy bị tê tay, tê chân, mất cảm giác nóng, lạnh.

Gây teo cơ, rối loạn vận động

Hầu hết người bệnh thường có thói quen hạn chế vận động để giảm những cơn đau, tuy nhiên điều này có thể dẫn đến tình trạng teo cơ, ảnh hưởng đến khả năng vận động cơ bản. 

Rối loạn đại tiểu tiện

Thoát vị đĩa đệm sẽ gây ra hiện tượng bí tiểu và khiến cho người bệnh đi tiểu không kiểm soát được. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hàng ngày. 

Thoát vị đĩa đệm gây ra hội chứng đuôi ngựa

Bên cạnh những biến chứng kể trên người bệnh thoát vị đĩa đệm cũng có thể gặp phải hiện tượng chùm đuôi ngựa. Lúc này, người bệnh sẽ bị rối loạn cảm giác ở vùng đáy chậu, vùng chân trở xuống. Sau đó, bệnh nhân sẽ bị liệt động tác ở ngón chân, bàn chân và cẳng chân.

Để hạn chế những biến chứng nguy hiểm kể trên, người bệnh cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện những triệu chứng của thoát vị đĩa đệm. 

Thoát vị đĩa đệm có chữa khỏi không?

Theo Đại tá - Bác sĩ Nguyễn Bá Vưỡng (Nguyên Phó khoa Đông y - Học viện Y học cổ truyền Quân đội) bệnh thoát vị đĩa đệm nếu được phát hiện sớm có thể được khắc phục bằng những biện pháp phù hợp. Song song với đó, người bệnh cũng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, xây dựng và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý để gia tăng hiệu quả điều trị.

Trong trường hợp bệnh đã chuyển nặng, quá trình điều trị sẽ khó khăn hơn, tuy nhiên người bệnh cũng không nên quá lo lắng vì hiện nay có rất nhiều phương pháp cũng như bài thuốc tốt giúp giải quyết tình trạng này. Điều bạn cần làm là lắng nghe cơ thể mình và đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy những dấu hiệu khác thường trong cơ thể. 

Cách chữa thoát vị đĩa đệm

Dưới đây là một số cách chữa thoát vị đĩa đệm thường được áp dụng mà người bệnh có thể tham khảo:

  • Điều trị nội khoa với thuốc:

Một số loại thuốc thường được chỉ định bao gồm thuốc giảm đau không chứa corticoid (Paracetamol, Meloxicam, Diclofenac…); Nhóm thuốc giãn cơ; Thuốc corticoid; Thuốc chống động kinh.

Mặc dù các loại thuốc này giúp cải thiện những triệu chứng của thoát vị đĩa đệm một cách nhanh chóng, tuy nhiên nếu lạm dụng bạn sẽ có thể gặp phải một số tác dụng phụ. 

  • Điều trị không sử dụng thuốc:

Một số phương pháp như: Châm cứu, massage, bấm huyệt, tập các bài tập yoga; kéo giãn cột sống, các bài tập vật lý trị liệu cũng hỗ trợ tình trạng thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn nhẹ. 

  • Điều trị ngoại khoa:

Các phương pháp sử dụng sóng cao tần, tia laser được áp dụng khi nhân nhầy mới bắt đầu nhú ra khỏi phần ống sống và không có các tổn thương kèm theo như xẹp đốt sống, xuất hiện các gai xương…

Khi mà các phương pháp nội khoa cũng như laser không phát huy tác dụng, trong trường hợp bệnh chuyển nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, chi phí của phương pháp này cũng khá tốn kém, ngoài ra tiềm ẩn một số biến chứng hậu phẫu. Do đó, người bệnh cần hết sức cân nhắc trước khi quyết định tiến hành phẫu thuật. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEB