• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN THUẬN CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cấp cứu thành công trẻ sơ sinh bị dây rốn cuốn cổ 4 vòng

Cấp cứu thành công trẻ sơ sinh bị dây rốn cuốn cổ 4 vòng

Trưa ngày 15/10/2022, kíp mổ khoa Sản - Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu đã cấp cứu thành công một trường hợp hy hữu, thai nhi 37 tuần tuổi với dây rốn quấn cổ 4 vòng và có dấu hiệu suy thai.

Hình ảnh em bé được mổ cấp cứu với dây rốn cuốn cổ 4 vòng

Dây rốn quấn cổ là hiện tượng thường được phát hiện qua siêu âm thai nhi vào khoảng từ tuần thứ 20 trở đi của thai kỳ. Thông thường, dây rốn chỉ quấn từ 1 đến 2 vòng cổ. Trường hợp dây rốn quấn chân hoặc quấn nhiều hơn 2 vòng cổ là một tai nạn và dây rốn quấn đến 4 vòng cổ có thể liệt vào các trường hợp hy hữu.

Dây rốn là bộ phận trung gian giúp cung cấp máu, oxy, chất dinh dưỡng từ mẹ để nuôi thai nhi. Nếu dây rốn quấn chân hoặc cổ nhiều vòng sẽ rất dễ bị siết chặt khi bé cử động. Tình trạng này xảy ra khiến thai nhi bị thiếu máu, oxy và dinh dưỡng, dẫn đến chậm phát triển thậm chí là suy thai, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Đó cũng là trường hợp của bệnh nhân Lầu Thị Mai (16 tuổi, Bản Há Tàu, xã Long Hẹ) mang thai lần I, 37 tuần, thai nhi bị dây rốn quấn 4 vòng quanh cổ, có dấu hiệu suy thai, cần phải mổ cấp cứu để cứu con.

Chị Mai cho biết trong thời gian mang thai cũng đã đi khám thai và siêu âm 4 lần, nhưng chưa phát hiện thấy dây rốn cuốn cổ. Hôm qua ở nhà thấy đau bụng nhiều quá nên gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu khám và điều trị, được Bác sĩ cho đi siêu âm mới phát hiện bị dây rốn cuốn cổ 4 vòng.

Bác sĩ CKI. Và A Dơ – Phụ trách Khoa sản Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu, cho biết: "Sau khi khám, kiểm tra, chúng tôi phát hiện em bé bắt đầu có dấu hiệu suy thai. Tuổi thai thực tế thông qua đánh giá các chỉ số chỉ tương đương thai 35 tuần, cân nặng ước tính là 2,663kg, nhỏ hơn tuổi thai dự tính. Động mạch tử cung có dấu hiệu Notch có nghĩa là khả năng thai nhi nhận được ít máu từ mẹ và chậm phát triển trong tử cung. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ rất nguy hiểm cho em bé."

Ngay sau đó, bác sĩ Và A Dơ đã có cuộc hội chẩn nhanh với các bác sĩ khoa Sản – Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu để đưa ra phương án xử trí thích hợp. Sau khi cân nhắc giữa nguyện vọng ban đầu của gia đình là muốn sinh thường và nguy cơ cho thai phụ cũng như thai nhi nếu để tình trạng kéo dài, các bác sĩ chỉ định cấp cứu mổ lấy thai.

Được sự đồng thuận của gia đình, vào hồi 15h30 cùng ngày, chị Mai đã được đưa vào phòng phẫu thuật. Ca mổ kết thúc thành công, bé gái chào đời khỏe mạnh, cân nặng 2900g, hồng hào và khóc rất to.

Em bé khỏe mạnh, hồng hào sau sinh

Ngay sau sinh, em bé được tiếp xúc da kề da với mẹ suốt 90 phút. Mẹ và bé được thực hiện đầy đủ 6 bước chăm sóc thiết yếu sau sinh. Sau 03 ngày chăm sóc và điều trị, sức khỏe của chị Mai đã ổn định, có thể tự chăm con, em bé phản xạ tốt, các kiểm tra sàng lọc sơ sinh đều cho kết quả tốt.

Hình ảnh chị Mai và con

Theo BSCKI. Và A Dơ, một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ dây rốn quấn cổ 1 vòng, 2 vòng, 3 vòng, 4 vòng lần lượt là 10,6%, 2,5%, 0,5% và 0,1%. Dây rốn quấn cổ 1-2 vòng là dấu hiệu bình thường, không dẫn đến những kết cục bất lợi cho thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, dây rốn quấn cổ từ 3 vòng trở lên hoặc dây rốn quấn chặt được ghi nhận liên quan đến thai chậm tăng trưởng trong tử cung, tăng tần suất phải mổ lấy thai cũng như suy thai và tăng tỷ lệ tử vong thời kỳ sơ sinh.Do vậy, thai phụ cần đến bác sĩ chuyên khoa khám thai định kỳ để được bác sĩ tư vấn đầy đủ về sức khỏe sinh sản và xử trí kịp thời nếu có các trường hợp bất thường.

Người đưa tin: CN Trần Thị Điệp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEB